Thiết kế Courbet_(lớp_thiết_giáp_hạm)

Lo ngại về việc bị bắn trúng dưới nước, các nhà thiết kế Pháp quyết định mở rộng đai giáp chính xuống bên dưới mực nước khá nhiều so với những chiếc đương thời. Vỏ giáp chính cũng mỏng hơn so với những chiếc tương đương của Anh hay Đức, nhưng che phủ một khu vực rộng hơn. Dàn pháo hạng hai có kích cỡ nhỏ hơn so với pháo 15 cm (5,9 in) do Đức sử dụng hoặc cỡ 6 inch (152 mm) của người Anh, nhưng người Pháp đặt ưu tiên trên tốc độ bắn hơn là kích cỡ, nhằm ngăn chặn tàu phóng lôi đối phương trước khi chúng đến được tầm thả ngư lôi.[2]

Các đặc tính tổng quát

Lớp Courbet dài hơn so với những chiếc tiền nhiệm, có chiều dài chung 166 m (544 ft 7 in); bề rộng mạn thuyền 27 m (88 ft 7 in); và có mớn nước 9,04 m (29 ft 8 in) ở mũi tàu khi đầy tải. Những con tàu này nặng hơn đáng kể so với lớp Danton dẫn trước; lớp Courbet có trọng lượng choán nước tiêu chuẩn 23.475 tấn (23.104 tấn Anh) và 25.579 tấn (25.175 tấn Anh) khi đầy tải, nặng hơn trên 5.000 tấn (4.900 tấn Anh) so với những chiếc trước đó.[3][Ghi chú 1]

Những con tàu này tỏ ra bị ướt khi hoạt động, chúng bị nặng phần mũi tàu do những tháp pháo bắn thượng tầng phía trước.[2]

Động lực

Những chiếc trong lớp Courbet có hệ thống động cơ bao gồm bốn turbine hơi nước Parsons dẫn động trực tiếp công suất 28.000 shp (21.000 kW). Mỗi con tàu có 24 nồi hơi ống nước Belleville hoặc Niclausse, tám chiếc nhỏ và mười sáu chiếc lớn. Những nồi hơi lớn được đặt trong hai phòng nồi hơi phía trước và các nồi hơi nhỏ đặt trong phòng nồi hơi phía sau; mỗi phòng chứa tám nồi hơi. Những nồi hơi này đốt than có phun dầu bổ trợ.[4] Chúng đạt được tốc độ tối đa 21 hải lý trên giờ (39 km/h; 24 mph),[3] mặc dù cả bốn chiếc đều nhanh hơn vào lúc chạy thử máy. Chúng mang theo cho đến 2.700 tấn Anh (2.743 t) than và 906 tấn Anh (921 t) dầu, đạt được tầm hoạt động 4.200 hải lý (7.800 km; 4.800 dặm) ở tốc độ đường trường 10 hải lý trên giờ (19 km/h; 12 mph).[2]

Vũ khí

Cùng với lớp Courbet, người Pháp đã từ bỏ cấu hình lục giác tiêu chuẩn của họ đối với dàn pháo chính. Mười hai khẩu Hải pháo 305 mm/45 Modèle 1906 được bố trí trên sáu tháp pháo, với hai tháp pháo bắn thượng tầng phía trước và phía sau, cùng hai tháp pháo bên mạn tàu. Các khẩu pháo này chỉ có góc nâng tối đa 12°.[5] Chúng bắn ra đạn pháo xuyên thép nặng 432 kilôgam (952 lb) ở một lưu tốc đầu đạn 783 m/s (2.570 ft/s) và với tốc độ 1,5–2 phát mỗi phút.[6] Ở góc nâng tối đa, tầm bắn tối đa chỉ đạt được 13.500 m (14.800 yd), mỗi khẩu pháo được cung cấp 100 quả đạn.[2]

Sơ đồ mạn phải và sàn tàu của lớp Courbet như được mô tả trong Niên giám Hải quân Brassey 1912

Dàn pháo hạng hai bao gồm 22 khẩu hải pháo 138 mm Modèle 1910 bố trí trên các ụ tháp pháo. Kiểu pháo này có khả năng bắn ra đạn pháo bán-xuyên-thép nặng 39,5 kilôgam (87 lb) với lưu tốc đầu đạn đến 840 m/s (2.800 ft/s), và có góc nâng tối đa 15°, cho phép có tầm bắn tối đa chưa đến 16.000 mét (17.000 yd). Chúng có tốc độ bắn 5–6 phát mỗi phút[7] và mỗi khẩu pháo có 275 quả đạn.[2] Các khẩu pháo tận cùng phía sau được bố trí rất thấp và thường xuyên bị ướt nước trong bất kỳ hoàn cảnh thời tiết nào. Các con tàu còn mang theo bốn khẩu pháo Hotchkiss 47 mm (1,9 in) Modèle 1902, hai khẩu mỗi bên mạn. Những chiếc trong lớp Courbet còn được trang bị bốn ống phóng ngư lôi ngầm 450 mm (18 in) Modèle 1909 và mang theo 12 quả ngư lôi.[4]

Hệ thống kiểm soát hỏa lực rất thô sơ: lớp Courbet chỉ được trang bị hai máy đo tầm xa 2,74 m (9 ft 0 in), một chiếc mỗi bên tháp chỉ huy; và mỗi tháp pháo có một máy đo tầm xa 1,37 m (4 ft 6 in) bố trí trong một vòm bọc thép phía sau tháp pháo.[1]

Vỏ giáp

Lớp Courbet có một đai giáp chính ở ngang mực nước rộng 4,75 m (15,6 ft), dày 270 mm (11 in) trong khoảng giữa tháp pháo phía trước và phía sau, vót thon còn 180 mm (7,1 in) về phía mũi và đuôi tàu. Nó mở rộng 2,4 m (7 ft 10 in) bên dưới mực nước thông thường. Bên trên đai giáp chính là một đai giáp khác dày 180 mm (7,1 in), che phủ bên hông và dàn vũ khí hạng hai cho đến sàn phía trước, sâu 4,5 m (15 ft) giữa tháp pháo phía trước và phía sau. Vỏ giáp dọc được hậu thuẫn bởi lớp gỗ dày 80 mm (3,1 in). Bốn lớp sàn tàu cũng được bọc thép dày 30 mm (1,2 in) và 48 mm (1,9 in) mỗi lớp, cho dù chúng được cấu tạo từ hai tấm thép hay nhiều hơn. Rìa của sàn tàu bọc thép thấp nhất được uốn cong để tiếp giáp với mép dưới của đai giáp ngang mực nước và tăng độ dày lên 70 mm (2,8 in). Tháp chỉ huy có vỏ giáp dày 300 mm (12 in). Tháp pháo chính có mặt trước dày 290 mm (11,4 in), 250 mm (9,8 in) bên hông và 100 mm (3,9 in) trên nóc. Bệ của chúng có lớp giáp dày 280 mm (11 in). Cấu trúc tàu không có những vách ngăn chống ngư lôi, mặc dù có một vách ngăn dọc ngang hàng với các khoảng động cơ được sử dụng như kho chứa than hay để trống.[8]